Hệ thống metro của TP. HCM trong tương lai có 8 tuyến chính, chia ra nhiều gói đầu tư. Hiện tại, 3 gói đã được duyệt, 2 gói đã trình Chính phủ và 7 gói chưa khởi động.
Bài tham luận của ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM trong buổi kết nối đầu tư do Phòng Thương mại Canada (CanCham) tổ chức đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về tiến độ phát triển của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị tại TP. HCM hiện nay và trong tương lai gần.
Hệ thống đường sắt đô thị của TP. HCM bao gồm: 8 tuyến metro (tàu điện ngầm), 1 tramway (tàu điện trên mặt đất) và 2 monorail (tàu điện trên không).
8 tuyến metro được chia làm 12 gói, phân làm nhiều giai đoạn.
Giai đoạn 1 có 4 gói: Metro số 1 từ Bến Thành – Suối Tiên đang trong thời gian xây dựng, với tổng vốn đầu tư khoản 2,49 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2020. Cuối năm 2017, Chính phủ vừa đồng ý sẽ nối thêm metro từ Suối Tiên đến Bình Dương và Đồng Nai.
Metro số 2, từ Bến Thành đến Tham Lương, theo kế hoạch ban đầu sẽ khởi công xây dựng từ năm 2013, nhưng vì nhiều khó khăn khác nhau, TP. HCM vừa xin Chính phủ lùi đến 2020. Metro này theo dự tính sẽ ngốn gần 2,2 tỷ USD và sẽ hoàn thành vào 2024.
Metro số 5, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn đã dược duyệt, với kinh phí dự toán tầm 1,92 tỷ USD, sẽ hoàn tất vào năm 2024. Tuy nhiên, với những khó khăn chồng chất từ metro số 1, chẳng biết đến bao giờ, metro số 5 này mới được khởi công xây dựng.
Toàn bộ 3 gói dự án metro này đã kêu gọi được vốn đầu tư.
Metro số 3, từ Bến Thành đến Bến xe Miền Tây, tổng đầu tư dự đoán khoản vào 1,9 tỷ USD. Việc khảo sát và lập dự toán đã được JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hoàn tất, kế hoạch này đang được trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét.
Giai đoạn 2 mới có một gói được mang ra khảo sát đó là metro số 3, từ Bến xe Miền Tây đến Tân Kiểng (Quận 7). Tổng số tiền đầu tư dự đoán khoản 1,1 tỷ USD. Hiện JICA đã hoàn tất báo cáo và đang trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét.
Ngoài ra, TP. HCM còn 7 gói trên các tuyến metro số 2,3,4,5,6 chưa được đụng đến.
Cụ thể: metro số 2 từ Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – Tây Ninh; metro số 2 từ Bến xe Tây Ninh – Củ Chi; metro số 3 từ khu vực Cộng Hòa đến Hiệp Bình Phước (Thủ Đức); metro số 4 từ Thạnh Xuân (Quận 12) đến Khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè).
Metro số 4, từ Công viên Gia Định đến Lăng Cha Cả. Metro số 5 từ bến xe mới Cần Giuộc đến Ngã tư Bảy Hiền; metro số 6 từ Bà Quẹo đến khu vực Phú Lâm.
Tổng số tiền đầu tư 9 gói vừa kể trên dự đoán vào khoảng 17,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào 1 tramway và 2 monorail.
Monorail số 2 đi từ Cao tốc 50 đến khu vực Bình Quới, dài gần 27km, tổng kinh phí dự đoán tầm 0,7 tỷ USD. Monoral số 3, đi từ ngã tư Phan Văn Trị – Nguyễn Oanh đến Tân Chánh Hiệp (Quận 12), chiều dài 10km, tổng kinh phí dự đoán khoản 0,4 tỷ USD.
TheLEADER